• If this is your first visit, be sure to check out the FAQ by clicking the link above. You may have to register before you can post: click the register link above to proceed. To start viewing messages, select the forum that you want to visit from the selection below.
Xin chào ! Nếu đây là lần đầu tiên bạn đến với diễn đàn, xin vui lòng danh ra một phút bấm vào đây để đăng kí và tham gia thảo luận cùng VnPro.

Announcement

Collapse
No announcement yet.

Chúc mừng ngày nhà báo Việt Nam 21/06/2008

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Chúc mừng ngày nhà báo Việt Nam 21/06/2008

    Nghề viết báo là nghề không dễ dàng gì, thậm trí là nghề nghiệt ngã. Cuộc sống vốn đa chiều, đa diện, nhưng khi người làm báo trải nó ra trên mặt giấy, cắt lát ngôn từ có phần đơn điệu ấy phải làm sao lột tả bản chất của sự kiện, định hướng dư luận, mà vẫn phải nhanh chóng, vì yêu cầu thời gian gấp rút.

    Ngay cả truyền hình, với ưu thế “đem cả thế giới vào ngôi nhà của bạn”, thách thức nghề nghiệp vẫn luôn đặt ra nóng bỏng. Bởi suy cho cùng, khuôn hình dù sinh động vẫn chỉ “gói” được những góc nhìn, những khía cạnh cụ thể, hữu hạn của đời sống đa chiều.

    Cái gì là bản chất, cái gì là tiêu biểu, câu hỏi ấy không dễ trả lời nhưng không thể né tránh trả lời. Cái nghề tác động vào dư luận xã hội, nếu làm tốt thì tác dụng rất lớn, còn nếu sơ suất chút thôi, tác hại sẽ khôn lường.

    Nói thế để thấy những thách thức đến nghiệt ngã của nghề báo, đồng thời thấy cả cái vinh dự của một nghề gắn với cuộc sống và sáng tạo.

    Người làm báo có kinh nghiệm, ngòi bút thấu lẽ đời, mềm mại, uyển chuyển, lật đi lật lại vấn đề, không bao giờ đơn giản, một chiều. Ngược lại, nếu chưa đủ kiến thức, ngòi bút dễ nóng nảy, cực đoan, “ép” cuộc sống theo một cái lý giản đơn, lược bỏ đi nhiều mối quan hệ bản chất của nó. Người làm nghề chưa đạt đến độ sâu của nghề, coi như cũng chưa thành nghề vậy.

    Có đồng nghiệp đúc rút ra một “quy luật” thú vị rằng: Nhà báo mới vào nghề thì hay “khoe” đến chỗ sang trọng, gặp ông bộ trưởng này, bà chủ tịch kia, có khi bài viết choang choang chiếc lược to tát mà thiếu hình bóng, cốt cách con người. Còn những nhà báo trải đời thì lại hay rủ rỉ gặp ông nông dân hồn nhiên ruộng đồng, thậm chí “khoe” gặp anh dân bản sống tận vùng cao xa tít tắp, đi bộ mấy ngày đường nói tiếng Kinh chưa sõi.

    Có người nói, báo chí có chức năng “phản biện” cuộc sống. Phản biện không phải để phủ nhận, mà là bàn luận, phân tích cái đúng, cái sai, chỉ ra ách tắc để tháo gỡ. Quả thực, báo chí đã làm nhiều việc theo hướng đó. Những vụ án kinh tế lớn như Nguyễn Đức Chi, Nguyễn Lâm Thái và mới đây là những sai phạm ở Tổng Công ty Xây dựng Miền Trung, Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp… được phanh phui trước công luận có công lớn của báo chí.



    Rồi vụ những cảnh sát giao thông, đăng kiểm viên tiêu cực, chỉ nhăm nhăm thu tiền mãi lộ, làm ngơ cho xe cũ, xe “quá đát” lưu hành, đe doạ an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho xã hội.

    Để làm rõ sự thực ấy, các phóng viên đã “vào vai” khách bộ hành, chọn những góc quay “độc” nhất, ghi lại những cảnh “có một không hai’ về cách “làm tiền” ngang nhiên của một số cảnh sát giao thông biến chất. Báo chí đã làm được điều mà thanh tra chuyên ngành chưa làm được vì cái lý “lực lượng mỏng, thiếu kinh phí”, “không tin anh em thì tin ai”!

    Dù mới là “phần nổi của tảng băng chìm”, nhưng những chứng cứ rõ ràng đã làm bùng lên sự phẫn nộ của công luận, thúc đẩy quyết tâm khắc phục cơ bản tình trạng nhức nhối này thay vì “lạnh lùng đóng cửa bảo nhau” ở cơ quan chức năng.

    Sự “xung trận” của người làm báo đã giành được niềm tin của nhân dân, của công chúng. Không phải ngẫu nhiên, trong hành trang nhiều đại biểu về dự họp Quốc hội là những bài báo nóng hổi, phản ánh nguyện vọng của nhân dân dặt lên bàn nghị sự. “Nói có sách, mách có chứng”, hạnh phúc của người làm báo là làm cầu nối giữa cơ quan công quyền với người dân, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước.

    Không chỉ nói phần “tối”, phanh phui tham nhũng, tiêu cực, trách nhiệm quan trọng của báo chí là phát hiện, biểu dương điển hình tiên tiến, để cái tốt lấn át dần cái xấu. Trong số hàng trăm Anh hùng, Chiến sĩ thi đua được Nhà nước phong tặng, biết bao tấm gương được phát hiện, cổ vũ từ báo chí. Có những người chưa được phong Anh hùng nhưng trí tuệ, tấm lòng của họ đáng được xã hội trân trọng như “thần đèn” Nguyễn Cẩm Luỹ, anh nông dân Nguyễn Đức Tâm với máy gặt lúa tự chế…

    Mỗi người một hoàn cảnh, một công việc, nhưng những đóng góp của họ qua báo chí đã được dư luận xã hội biết đến và tôn vinh.

    Việc tốt nhân lên, cuộc sống tự tìm ra hướng vận hành hợp lý để phát triển, mỗi cá nhân ý thức hơn vai trò, công việc của mình, thích ứng và làm tốt vài trò ấy. Không cần đao to, búa lớn, những tấm gương chân thực “người tốt, việc tốt” được báo chí phản ánh đã củng cố thêm niềm tin vào xã hội, vào cuộc sống. Càng nhớ lời dạy của Bác Hồ khi Người nhắc nhở những người cầm bút viết về gương “ người tốt”:

    “Các chú có thấy cháu bé bắt được của rơi, bắt mẹ cõng đến đồn công an trả người đánh mất có ý nghĩa như thế nào không? Ở nước Mỹ và các nước tư bản, người ta giết nhau chỉ vì đồng bạc giấy. Vậy mà ở ta các cháu bé đã biết làm như vậy. Văn minh chiến thắng bạo tàn. Xã hội ta văn minh hơn xã hội Mỹ từ việc làm của các cháu bé đó”.

    Hạnh phúc của người làm báo hoá ra giản đơn như thế. Phê bình nhưng không vùi dập, khen ngợi nhưng không tán dương, trái tim nhà báo hướng về cuộc sống, lắng nghe tiếng nói từ cuộc sống, phản ánh nó với ước vọng ngày mai xã hội sẽ tốt hơn, cái xấu sẽ dần bị loại bỏ.

    Khi tờ báo đến tay bạn đọc, nó không chỉ là những sự kiện, những con số đơn thuần. Đó còn là tâm nguyện, nhiệt huyết người làm báo gửi đến công chúng, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, gánh vác trách nhiệm tham gia giải quyết những vấn đề đặt ra từ cuộc sống. Có anh bạn đồng nghiệp làm báo tỉnh ở miền Tây Nam Bộ gặp nhau chỉ khoe: “Sướng nhất là báo gặp được mạn lộ rồi!”.

    Hoá ra, biết cái chất dân Nam Bộ ham đọc báo, thích thông tin nhưng ngặt nỗi tỉnh còn nghèo, cây lúa chưa đủ “cõng” chi phí sinh hoạt chứ tiền đâu mua báo. Vậy là mấy nhà báo có sáng kiến trích quỹ cơ quan “còn dư dư ra chút đỉnh”, rồi cặm cụi đem rải khắp các quan cà phê dọc quốc lộ: “Ai coi thì coi, ai mua thi mua, thu nhập của báo giảm nhưng báo đến tay người đọc là sướng rồi”.

    Có lẽ ít ở nơi nào trên thế giới này lại có cách nghĩ hồn nhiên như vậy. Đó là tấm lòng vô tư phục vụ công chúng của người làm báo. Nhưng anh bạn đồng nghiệp chưa nói điều này: Báo đến tay bạn đọc, cái “được” mà người làm báo thu nhận còn là những ý kiến nhận xét, trao đổi để người cầm bút nâng cao chất lượng tác phẩm, bám sát cuộc sống, phục vụ công chúng tốt hơn. Đấy là hạnh phúc nữa của người cầm bút, không phải nghề nào cũng dễ có được.



    Cuộc sống không xuôi chiều. Người làm báo vẫn còn bao trăn trở với cuộc sống, với nghề nghiệp của mình. Báo chí phát triển mạnh mẽ nhưng với hơn 80% dân số nhân số nông thôn, tờ báo đến được với dân còn bao khó khăn vì lý do kinh tế, mạng lưới phát hành chưa thật đồng bộ.

    Đội ngũ cán bộ báo chí còn những mặt chưa đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Đã có hiện tượng một vài tờ báo thông tin quá đà, làm lộ bí mật quốc gia; thông tin sai lạc, ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế. Đã có hiện tượng nhà báo cố tình viết sai sự thật để trục lợi. Đó là diều phải nghiêm túc xử lý và rút kinh nghiệm.

    Nhưng hiện tượng phổ biến và nguy hại không kém là thái độ lẩn tránh trách nhiệm “mũ ni che tai” trước yêu cầu thông tin của công chúng. Đã nảy sinh không ít nhà báo tư tưởng “an phận”, giữ cho mặt báo “sạch sẽ”, tránh va chạm mà không quan tâm đầy đủ đến nhu cầu thông tin và được thông tin chính đáng của công chúng. Nói như nhà báo Hữu Thọ, “báo viết ra chỉ cần ông thủ trưởng khen, ông cơ sở được viết bài khen mà không cần biết bạn đọc suy nghĩ ra sao”.

    Biểu hiện “cửa quyền thông tin”, ảo tưởng rằng uy tín tờ báo cùng là quyền lực cá nhân mình đã khiến không ít nhà báo xa rời đời sống nhân dân, “nhắm mắt” trước “những tín hiệu đã nhấp nháy lên rồi của đời sống” (chữ của Thép Mới). Chính quan niệm không đúng đắn đó đã làm giảm sút vai trò xã hội của báo chí, ảnh hưởng không tốt đến niềm tin công chúng đã gửi gắm vào ngòi bút của nhà báo…

    Nghề báo là nghề không dễ dàng. Nhà báo phải có bản lĩnh chính trị, kiến thức rộng, độ sắc sảo, nhạy bén và một tấm lòng chân thành hướng về cuộc sống, hướng về công chúng. Áp lực công việc rất lớn, bởi chỉ buông bút là bạn đọc sẽ lãng quên. Nuôi dưỡng niềm tin của công chúng, dám đối mặt với những thử thách của cuộc sống, người cầm bút đối mặt với những hiểm nguy có thật.

    Làm nghề có vinh quang, có cay đắng, nhưng khi ngòi bút đúng với suy nghĩ của mình, chân thành, không vụ lợi, người làm báo có thể mỉm cười tin tưởng rằng công chúng sẽ đồng hành trên mỗi vui buồn nghề nghiệp. Đó là phần thưởng lớn không phải nghề nào cũng có được.

    Chúc mừng ngày nhà báo Việt nam 21/06/2008.
Working...
X